Đại dịch COVID-19 đã kích hoạt nhu cầu về dịch vụ y tế trên toàn cầu. Để ứng phó với đại dịch, các quốc gia trên thế giới đã nâng cao năng lực xét nghiệm, truy vết và tăng cường các biện pháp điều trị bệnh nhân COVID-19 trong khi vẫn duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu khác. Cần huy động đầy đủ các tác nhân của hệ thống y tế – ở cả khu vực nhà nước và tư nhân – để duy trì hoạt động của hệ thống y tế. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra lời khuyên chính phủ các nước nên huy động mọi nguồn lực xã hội để sẵn sàng ứng phó với các kịch bản của đại dịch COVID-19. Việc thu hút các nguồn lực của khu vực tư nhân là rất quan trọng, vì có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ tư nhân trong các hệ thống y tế, từ các bệnh viện tư lớn đến các phòng khám, nhà thuốc tư nhân hay các bác sĩ, dược sĩ làm việc độc lập.
ThS. Trương Văn Đạt cho rằng, thất bại trong quản trị nhân lực y tế sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về sức khỏe |
Quản trị nhân lực được WHO và các quốc gia công nhận là một chức năng cơ bản của hệ thống y tế và là một phần trọng tâm của chiến lược phát triển ngành y tế. Quản trị là một khái niệm đa chiều và có các mô hình quản lý mang tính chuẩn mực. Thất bại trong quản trị nhân lực y tế sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về sức khỏe. Những thất bại này bao gồm thiếu tầm nhìn dài hạn và lập kế hoạch cho các can thiệp thiết yếu, không có khuôn khổ quy định chức năng để xử lý giải quyết tham nhũng, không sẵn sàng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp như đại dịch COVID-19… Hơn nữa, các quy tắc về quản trị hiện tại không phải lúc nào cũng giúp nhà hoạch định chính sách hiểu rõ ràng về vai trò quan trọng của hệ thống y tế tư nhân.
Trong nghiên cứu “Phân tích lực lượng lao động toàn cầu”, Sáng kiến Học tập Chung (Joint Learning Initiative) – một hội nghị gồm hơn 100 nhà lãnh đạo y tế – đã đề xuất rằng, việc huy động và tăng cường nguồn nhân lực cho y tế, vốn bị bỏ quên nhưng rất quan trọng, là trọng tâm để ứng phó các cuộc khủng hoảng y tế ở một số quốc gia nghèo trên thế giới, đồng thời để xây dựng hệ thống y tế bền vững ở tất cả các quốc gia. Nhiều quốc gia đang gặp thách thức bởi tình trạng thiếu nguồn nhân lực y tế, phân bố không đồng đều giữa các vùng miền, môi trường làm việc không đảm bảo và nền tảng kiến thức cơ bản còn yếu kém. Đặc biệt là ở các nước nghèo nhất, lực lượng lao động đang bị tấn công bởi HIV/AIDS, tình trạng xuất cư và đầu tư không đầy đủ. Các chiến lược quốc gia hiệu quả cần được hỗ trợ bởi sự tăng cường của quốc tế. Cuối cùng, khủng hoảng nguồn nhân lực là một vấn đề chung đòi hỏi phải có trách nhiệm chung cho các hành động hợp tác.
Đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự khủng hoảng này. Khủng hoảng nguồn nhân lực y tế là một vấn đề chung, đòi hỏi phải có những hành động mang tính chiến lược và sự tham gia của nhiều bên. Khung phân tích nguồn nhân lực y tế được tác giả Mario R Dal Poz và cộng sự (2006) xây dựng theo Báo cáo sức khoẻ thế giới (WHO, 2006) được sử dụng để phân tích và đề xuất mô hình khả thi và chính sách phù hợp để hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như các tình huống khẩn cấp về y tế trong tương lai.
Y tế tư nhân có thể làm gì?
1/ Các bệnh viện, phòng khám tư nhân tự chủ trong tài chính nên sẽ chủ động trong mua sắm, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị bệnh.
2/ Các nhà thuốc tư nhân với mạng lưới rộng khắp (hơn 6.500 nhà thuốc tại TP. Hồ Chí Minh) tham gia vào chương trình bình ổn giá thuốc; tham gia cung cấp túi thuốc F0 chăm sóc tại nhà và tham gia công tác tư vấn sử dụng thuốc (thông qua ứng dụng telehealth), các dược sĩ có kiến thức, trình độ chuyên môn đặc biệt về kiểm soát nhiễm khuẩn.
3/ Bệnh viện, phòng khám tư nhân hoạt động trong mùa dịch vừa tham gia tư vấn (thông qua ứng dụng telehealth…) vừa khám, điều trị bệnh không lây (không phải bệnh nhân COVID-19) để giảm tải cho y tế công lập.
4/ Doanh nghiệp y tế tư nhân đầu tư công nghệ, phần mềm giúp công tác hỗ trợ phòng chống dịch (như phát triển telehealth, đặt lịch khám online, bus map, SOS map…).
Một số khó khăn đặt ra
1/ Chính sách về tài chính cho y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch, chính sách chi trả cho người bệnh khi điều trị ở cơ sở tư nhân… cần phải được xem xét, tính toán kỹ và phù hợp. Nếu không quản lý chặt, một bộ phận cơ hội sẽ nâng giá thuốc, nâng giá xét nghiệm trục lợi.
2/ Giãn cách kéo dài, không có nguồn thu, không tham hoạt động y tế, nhiều cơ sở y tế tư nhân buộc phải đóng cửa hoặc tiến tới phá sản.
Bài viết gốc được đăng tải trên tạp chí Kinh tế và Dự báo: https://kinhtevadubao.vn/quan-tri-nhan-luc-y-te-va-covid-19-can-su-chung-tay-cua-nhieu-ben-20574.html
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, truy cập ngày 3/10/2021.
2. Mario R Dal Poz et al (2006), “Addressing the health workforce crisis: towards a common approach”, Human Resources for Health, 4 (21), 1-4.
3. Williams, D. (2005), Real Leadership – Helping people and organizations face their toughest challenges, Berrett-Koehler Publishers.
4. Heifetz, Ronald A. (1994), Leadership Without Easy Answers, The Belknap Press of Harvard University Press.
5. Bryson, John M. (2003), What To Do When Stakeholders Matter: A Guide to Stakeholder Identification and Analysis Techniques, London School of Economics and Political Science.
6. Joint Learning Initiative (2004), Human Resources for Health: Overcoming the Crisis, Cambridge (MA), Harvard University Press.