PHARMACIST IN VUCA ERA (Dược sĩ trong “kỷ nguyên” VUCA)

Thế giới đang thay đổi quá nhanh. Ngành Dược phải đối mặt với những vấn đề khẩn cấp toàn cầu mà vừa qua là đại dịch COVID-19. Để thành công buộc chúng ta - mỗi người Dược sĩ - phải thay đổi nhiều hơn và nhanh hơn bao giờ hết đặc biệt trong kỷ nguyên VUCA.

Khái niệm “VUCA” dùng để mô tả về thế giới “đa cực”: Biến động (Volatility), Bất định (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity). Những ảnh hưởng từ dịch COVID-19 đã một lần nữa đặt thế giới vào tình trạng VUCA kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Sự không chắc chắn với những bất định luôn thách thức năng lực của các nhà lãnh đạo. Bốn yếu tố cần có để lãnh đạo trong kỷ nguyên VUCA:

  • Tầm nhìn xuyên qua những hỗn loạn để hiểu rõ ràng về tổ chức, công việc và cuộc sống
  • Hiểu biết sâu sắc về các khả năng và chiến lược của tổ chức, để có thể chiếm ưu thế bằng cách phát huy điểm mạnh và giảm thiểu điểm yếu trong bối cảnh môi trường thay đổi nhanh chóng
  • Can đảm để đối diện với những thử thách và đưa ra các quyết định táo bạo đầy rủi ro, thậm chí kết cục thường là thất bại nhưng không nhục chí
  • Thích ứng ngay khi có thể mà tốt nhất là ngay bây giờ

Ngày Dược sĩ thế giới – Pharmacist Day 25/9 được Liên đoàn Dược thế giới chọn chủ đề cho năm 2022 là “Dược sĩ đoàn kết hành động vì một thế giới khỏe mạnh hơn”. Mục tiêu phát triển bền vững số 3 của Liên hợp quốc đặt ra một số yêu cầu, bao gồm quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm (như bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, bệnh hô hấp mãn tính và sức khỏe tâm thần) và các bệnh truyền nhiễm (ví dụ, HIV, lao và các bệnh bệnh nhiệt đới ). Tuy nhiên, kỷ nguyên VUCA mà cụ thể đại dịch COVID-19 hai năm qua đã gây ra nhiều khó khăn cho sự phát triển của ngành Dược và đòi hỏi ngành Dược phải tập hợp, đoàn kết để tốt hơn.

Vậy chúng ta cần làm gì để thích ứng?

Có rất nhiều giải pháp nhưng chuyển đổi số là “bài thuốc” hữu hiệu nhất trong kỷ nguyên VUCA.

Chuyển đổi số đã trở thành cuộc cách mạng trong việc thay đổi chiến lược quản trị và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Ngày nay, Tỷ lệ người Việt Nam sở hữu thiết bị di động là 97%, laptop/máy tính bàn là 66,1%, máy tính bảng là 31,9%. Với tỷ lệ sử dụng các thiết bị nhiều như vậy, dự đoán rằng có 3 hoạt động người dân dành nhiều thời gian nhất trong một ngày bao gồm sử dụng Internet, sử dụng mạng xã hội và xem truyền hình.

Thuốc là một loại hàng hoá đặc biệt, tác động trực tiếp đến sức khoẻ của con người. An toàn, hợp lý, hiệu quả khi sử dụng thuốc là yêu cầu bắt buộc của mỗi cơ sở, nhân viên y tế và người bệnh. Bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3, sự phát triển của công nghệ kỹ thuật cao đã giải quyết được bài toán về chất lượng sản xuất, bảo quản, lưu thông, phân thuốc. Tuy nhiên, thị trường dược phẩm là một thị trường “biến động, đa dạng”, việc cung cấp, truyền tải thông tin đến đúng đối tượng ngày nay là vô cùng quan trọng. Sự bùng nổ của chuyển đổi số khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bắt đầu đã đem đến sự phát triển mạnh mẽ của các giải pháp digital marketing mà khi đó người dùng (bệnh nhân, cơ sở y tế, nhân viên y tế) được tiếp cận những thông tin chính thống, nhanh chóng thông qua các nền tảng y tế chuyên biệt.

// Một vài chia sẻ nhân ngày Dược sĩ thế giới 25/9 //

Avatar photo
ThS.DS. Trương Văn Đạt

UV Ban Thường vụ - Phó Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Dược sĩ trẻ Việt Nam, Nguyên Giảng viên Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh