Rối loạn tiền đình

Điều trị chóng mặt và vai trò của nhóm thúc đẩy bù trừ tiền đình

Chóng mặt nếu không được điều trị đầy đủ thì bản thân triệu chứng sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân, làm giảm khả năng lao động, thậm chí có thể gặp tai nạn, té ngã ảnh hưởng đến sức khoẻ. Bên cạnh đó, triệu chứng ẩn bên dưới gây ra chóng mặt cũng cần được đánh giá và điều trị kịp thời.

Khi nào bệnh nhân chóng mặt nên đi khám/nhập viện ngay: (1)

  • Đau đầu mới xuất hiện hoặc mức độ nặng
  • sốt trên 38 độ C
  • Nhìn thấy hình ảnh nhân đôi hoặc nhìn mờ
  • Gặp vấn đề về khả năng nói hoặc nghe
  • Yếu tay/chân hoặc mặt bị xệ xuống một bên, mất đối xứng
  • Không thể tự đi
  • Ngất
  • Cảm giác tê hoặc châm chít
  • Đau ngực
  • Nôn ói nhiều

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được thăm khám ngay nếu chóng mặt kéo dài và kèm theo: (1)

  • Trên 60 tuổi
  • Có tiền sử đột quỵ
  • Có nguy cơ đột quỵ, như hút thuốc hoặc có đái tháo đường

Điều trị chóng mặt bao gồm điều trị làm giảm cảm giác chóng mặt, giảm các triệu chứng kèm theo như nôn ói, rung giật nhãn cầu,…, điều trị nguyên nhân chính gây nên các triệu chứng rối loạn tiền đình. Điều trị có thể phối hợp thuốc và các bài tập cải thiện chức năng tiền đình.

1. Điều trị triệu chứng (2) (3)

Thuốc ức chế tiền đình là điều trị chính trong việc giảm chóng mặt, gồm 4 nhóm: 

 
Cơ chế tác dụng

 
Tác dụng phụ

Thuốc kháng cholinergic:
- Scopolamin

 
Tác dụng lên thụ thể muscarinic, ức chế tiền đình trung ương, tăng mức độ thích ứng với chuyển động.

 
Khô miệng, giãn đồng tử, giảm chú ý, giảm tập trung

 
Thuốc kháng histamine:
- Betahistamin 
- Dimenhydrinat
- Meclizin
- Promethazin

 
Chẹn thụ thể H1 ở các cấu trúc của hệ tiền đình trung ương

 
An thần, thận trọng trên người phì đại TLT

Benzodiazepine:
- Diazepam
- Lorazepam

- Gabapentin

 
Hoạt hoá tác dụng của chất dẫn truyền thần kinh GABA, ức chế trung tâm tiền đình

 
Buồn ngủ, choáng, ức chế hô hấp

Chất đối vận kênh calci1:
- Cinarizin 
- Flunarizin

 
Chẹn kênh calci của các tế bào lông trong cơ quan tiền đình, ức chế tiền đình ngoại biên

 
An thần, tăng cân, phù bàn đạp, rối loạn ngoại tháp

Cần lưu ý là bất kì kích thích tiền đình nào cũng có thể khởi động một quá trình thay đổi sự bù trừ. Các thuốc làm giảm chóng mặt hầu hết đều có tác dụng gây ức chế bù trừ. 

Các thuốc ức chế tiền đình chỉ nên sử dụng ngắn hạn, tối đa là vài ngày vì thuốc có thể làm chậm quá trình bù trừ tự nhiên của não đối với rối loạn tiền đình ngoại biên.

Với các tổn thương mất cân bằng tiền đình dai dẳng (ví dụ như sau Viêm dây thần kinh tiền đình mức độ nặng), việc kích thích bù trừ trung ương có thể đem lại hiệu quả đáng mong đợi. Ngược lại, với các mất cân bằng tiền đình thoáng qua (như trong bệnh Ménière) cần tránh sự bù trừ không cần thiết và thậm chí có thể gây phản tác dụng.

Thuốc hỗ trợ bù trừ tiền đình

Dẫn chất acid amin (Acetyl leucin)  hỗ trợ bù trừ tiền đình thông qua

  • Tăng tổng hợp glutamate – chất dẫn truyền kích thích giúp tăng tín hiệu thần kinh.
  • Điều chỉnh các bất thường trên quá trình tái cực và khử cực của các neuron nhân tiền đình cũng như các tế bào ở tiền đình ốc tai.
  • Cân bằng hoạt động của tiền đình bên lành cũng như bên tổn thương, từ đó giúp cắt triệu chứng chóng mặt

 Histamin analogue (betahistine): có tác dụng làm tăng lưu lượng máu đến hệ tiền đình nhờ tác dụng giãn mạch, cải thiện dẫn truyền thần kinh.

Một số nhóm thuốc khác:

  • Thuốc chống nôn ói (metoclopramide, ondansetron, promethazine,…): làm giảm cảm giác buồn nôn, giảm nôn ói. Lựa chọn thuốc chống nôn cần chú ý đường dùng và tác dụng phụ.
  • Thuốc tăng tuần hoàn não (bạch quả): là thuốc thảo dược làm tăng chức năng nhận thức, tăng vi tuần hoàn và có khả năng chống oxi hoá

2. Điều trị nguyên nhân (4) (5) 

  • Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV)

Điều trị BPPV bao gồm thủ thuật tái lập thạch nhĩ, trong đó có thủ thuật Epley, giúp đưa sỏi ra khỏi ống bán khuyên. Tỷ lệ thành công là khoảng 70% trong lần thực hiện đầu tiên và gần 100% trong các lần lặp lại. Điều trị tại nhà bằng các bài tập Brandt¬Daroff cũng có thể có hiệu quả. Nếu không cải thiện với bài tập lặp lại nhiều lần, hoặc nếu rung giật nhãn cầu không điển hình hoặc liên tục kèm theo buồn nôn, thì nên xem xét tìm nguyên nhân khác.

Điều trị bằng thuốc ít có vai trò gì trong việc điều trị BPPV. Nên tránh dùng thuốc ức chế tiền đình vì chúng can thiệp vào quá trình bù trừ trung tâm và có thể làm tăng nguy cơ té ngã.

  • Bệnh Ménière

Điều trị đầu tay đối với bệnh Ménière bao gồm thay đổi lối sống, bằng cách giảm lượng muối thu nhận hằng ngày dưới 2,000mg, giảm lượng caffeeine, và uống rượu giới hạn dưới 1 ly mỗi ngày. Điều trị lợi tiểu, glucocorticoids, gentamicin có thể được thêm vào nếu thay đổi lối sống không hiệu quả.

Thuốc ức chế tiền đình có thể có ích trong những đợt tấn công cấp tính, prochlorperazine, promethazine, and diazepam đã cho thấy có hiệu quả. Phẫu thuật là lựa chọn cho những bệnh nhân có triệu chứng kháng trị.

  • Viêm thần kinh tiền đình

Viêm thần kinh tiền đình được điều trị bằng thuốc và các bài tập phục hồi chức năng tiền đình. Thuốc chống nôn, chống buồn nôn nên được sử dụng không quá ba ngày vì tác dụng ngăn chặn sự bù trừ của hệ trung ương. 

Chóng mặt và kèm theo buồn nôn hoặc nôn có thể được điều trị bằng cách kết hợp thuốc kháng histamine, thuốc chống nôn hoặc benzodiazepine. 

Mặc dù corticosteroid tác dụng toàn thân đã được khuyến cáo như một phương pháp điều trị viêm dây thần kinh tiền đình, nhưng chưa có đủ bằng chứng cho việc điều trị thường quy. Thuốc kháng vi-rút không có hiệu quả trên bệnh.

Hầu hết bệnh nhân có thể tự hồi phục, mặc dù cảm giác chóng mặt, nôn nao, mất thăng bằng có thể diễn tiến mạn tính. Bệnh nhân nên được khuyến khích tiếp tục mức độ hoạt động bình thường càng sớm càng tốt, và liệu pháp phục hồi chức năng tiền đình có chỉ định có thể đẩy nhanh quá trình cải thiện.

  • Bệnh Migraine tiền đình

Kiểm soát bệnh bước đầu tập trung xác định và tránh các tác nhân gây khởi phát đau nửa đầu. Bệnh nhân được khuyến khích nên giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc và tập thể dục. Thuốc ức chế tiền đình cũng có hiệu quả.

Do thiếu dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên được thiết kế tốt, các khuyến nghị phòng ngừa dựa trên ý kiến ​​chuyên gia. Thuốc phòng ngừa bao gồm thuốc chống co giật, thuốc chẹn beta adrenergic, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống trầm cảm ba vòng, chiết xuất butterbur và magiê. Mục tiêu là giảm 50% các đợt tấn công. Các liệu pháp cắt cơn đau nửa đầu trong điều trị chứng chóng mặt chưa rõ hiệu quả.

  • Nhồi máu não

Đây là bệnh cảnh nguy hiểm, cần được nhập viện xử trí tích cực. Điều trị bao gồm liệu pháp chống kết tập tiểu cầu và giảm những nguy cơ cho bệnh lý mạch máu não.

3. Hướng dẫn bệnh nhân các bài tập tiền đình (6)

Bệnh chóng mặt tư thế kịch phát với nguyên nhân do sỏi tai rơi vào ống bán khuyên, có thể được điều trị để bằng các nghiệm pháp tái lập sỏi ống tai, tức là đưa sỏi ra khỏi vị trí hiện tại, để giúp bệnh nhân giảm cảm giác chóng mặt. Nếu các nghiệm pháp được thực hiện đúng mà bệnh nhân không có cải thiện, nên xem xét các nguyên nhân khác.

Nghiệm pháp Epley cải tiến

Nghiệm pháp Epley cải tiến
                Nghiệm pháp Epley cải tiến

FIGURE . Nghiệm pháp Epley dùng để điều trị Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính bị tổn thương ở ống bán khuyên sau bên phải (hình trên) và bên trái (hình dưới)

  • Bước 1: bệnh nhân ở tư thế ngồi, xoay đầu khoảng 45 độ về phía bên tai bị ảnh hưởng.
  • Bước 2: Giữ đầu ở tư thế xoay, hạ thấp bệnh nhân về tư thế nằm ngang và giữ yên ít nhất 30s, hoặc khi không còn rung giật nhãn cầu.
  • Bước 3: Không nâng đầu lên, vẫn giữ đầu ở tư thế hạ thấp, xoay đầu 90 độ về hướng ngược lại, giữ 30s
  • Bước 4: xoay người bệnh nhân về bên đầu đang hướng về, xoay đầu thêm 90 độ nữa, sao cho mũi hướng xuống 45 độ, giữ thêm 30s.
  • Bước 5: Để bệnh nhân ngồi dậy ở cạnh bàn. Sau khi tạm nghỉ, nghiệm pháp nên lặp lại đến khi đạt được hiệu quả điều trị

Nghiệm pháp Semont cải tiến:  Nghiệm pháp Semont dưới đây được mô tả với tổn thương sỏi ống bán khuyên sau bên trái:

Nghiệm pháp Semont cải tiến
Nghiệm pháp Semont cải tiến
  • Bệnh nhân ở tư thế ngồi, xoay đầu 45 độ sang phải
  • Bệnh nhân nhanh chóng ngả người xuống bên trái (1) với đầu vẫn xoay 45 độ về phía bên phải. Giữ tư thế này ít nhất 30s hoặc khi cơn chóng mặt giảm bớt
  • Bệnh nhân sau đó ngồi dậy nhanh chóng và nằm xuống giữ nguyên tư thế như khi đang ngồi, (2) giữ đầu xoay 45 độ sang phải để đầu hướng xuống về phía mặt giường. Giữ tư thế này 30s hoặc đến khi chóng mặt giảm bớt
  • Sau đó bệnh nhân quay lại tư thế ngồi thẳng (3)
  • Nghiệm pháp nên được lặp lại 3 lần/ngày đến khi hết triệu chứng

Đối với sỏi ống bán khuyên bên phải, nghiệm pháp được thực hiện ở hướng ngược lại, bắt đầu bởi việc quay đầu sang trái

hướng dẫn điều trị từng bước brandt-daroff - brandt-daroff hình minh họa sẵn có
Nghiệm pháp Brandt-Daroff

Nghiệm pháp Brandt-Daroff được thực hiện theo hướng của sỏi ống bán khuyên sau bên trái hoặc bên phải. 

  • Bệnh nhân đang ngồi, bắt đầu bằng việc nằm xuống nhanh chóng qua một bên (1), sau đó chờ xem triệu chứng chóng mặt có giảm bớt không
  • Tiếp theo bệnh nhân ngồi dậy (2), chờ thêm lần nữa xem chóng mặt có giảm không.
  • Sau đó, bệnh nhân nhanh chóng nằm xuống về bên còn lại (3), chờ xem chóng mặt có giảm, sau đó lại ngồi dậy.(4)
  • Chu trình này được lặp lại từ 10-20 lần, có thể có 3 lần tập một ngày, đến khi bệnh nhân hết triệu chứng. Tính đối xứng của nghiệm pháp phù hợp cho cả tổn thương bên phải và trái, nhất là khi khó xác định được bên tổn thương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

  1. Patient education: Vertigo (a type of dizziness) (The Basics) https://www.uptodate.com/contents/vertigo-a-type-of-dizziness-the-basics?search=vertigo%20medication&topicRef=5097&source=see_link
  2. Swain K.S. Pharmacotherapy for vertigo: a current perspective. nternational Journal of Otorhinolaryngology and Head and Neck Surgery Swain SK. Int J Otorhinolaryngol Head Neck Surg. 2020 Jul;6(7):1400-1406
  3. Cơ chế dược lý trong điều trị chóng mặt và vai trò của nhóm thuốc thúc đẩy bù trừ tiền đình: https://hoithankinhhocvietnam.com.vn/co-che-duoc-ly-trong-dieu-tri-chong-mat-va-vai-tro-cua-nhom-thuoc-thuc-day-bu-tru-tien-dinh/ 
  4. Muncie HL, Sirmans SM, James E. Dizziness: Approach to Evaluation and Management. Am Fam Physician. 2017 Feb 1;95(3):154-162. PMID: 28145669.
  5. Loscalzo, Fauci, Kasper, Hauser, Longo, Jameson. Harrison’s Principles of Internal Medicine. 21th Edition. McGraw-Hill; 2022.
  6. Benign paroxysmal positional vertigo: https://www.uptodate.com/contents/benign-paroxysmal-positional-vertigo search=EPLEY&source=search_result&selectedTitle=2~6&usage_type=default&display_rank=2 
Avatar photo
DS. Bùi Thanh Nguyệt